SEC và Chủ tịch Gensler bị 18 bang của Mỹ khởi kiện vì lạm quyền đối với crypto

Tổng chưởng lý của 18 bang ở Mỹ yêu cầu SEC và Chủ tịch Gary Gensler tuyên bố tài sản số không phải là một loại hình hợp đồng đầu tư và là chứng khoán.

SEC và Chủ tịch Gensler bị 18 bang của Mỹ khởi kiện vì lạm quyền đối với crypto. Ảnh: The New York Times

Tổng chưởng lý của 18 bang ở Mỹ, vị quan chức nắm quyền pháp lý cao nhất ở cấp tiểu bang, đã đâm đơn kiện tập thể chống lại Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cùng Chủ tịch Gary Gensler với cáo buộc lạm quyền và cản trở quyền quản lý tài sản số.

Cụ thể, danh sách tổng chưởng lý kiện SEC gồm các bang Kentucky, Nebraska, Tennessee, West Virgina, Iowa, Texas, Mississippi, Montana, Arkansas, Kansas, Missouri, Indiana, Utah, Louisiana, South Carolina, Oklahoma, Florida – tất cả đều là những bang đã bỏ phiếu cho tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trong kỳ bầu cử vừa qua.

Bên cạnh đó, nguyên đơn tham gia vụ kiện còn có DeFi Education Fund, quỹ vận động pháp lý cho crypto từng được Uniswap tài trợ.

Ở chiều ngược lại, đơn kiện chỉ đích danh Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Chủ tịch Gary Gensler cùng các ủy viên của ủy ban làm bị đơn.

[wpcc-script async=”” src=”https://platform.twitter.com/widgets.js” charset=”utf-8″ type=”text/javascript”]

Trong đơn kiện, tập thể tổng chưởng lý các bang yêu cầu tòa án công nhận “tài sản số không phải là hợp đồng đầu tư”, cũng như muốn tòa án không cho SEC buộc tội những nền tảng mà đã không đăng ký làm sàn giao dịch, đơn vị môi giới và thanh toán lên ủy ban.

Một trong những luận điểm chính được tổng chưởng lý các bang sử dụng là mỗi tiểu bang của Mỹ đều có quyền ban hành quy định quản lý riêng, bao gồm cả lĩnh vực tiền mã hóa, và SEC đã không tôn trọng điều này khi liên tục có các hành động trấn áp crypto trên quy mô toàn quốc, bất chấp việc Quốc hội Hoa Kỳ chưa ban hành luật quản lý cấp liên bang.

Đơn kiện viết:

“Dù không được Quốc hội cấp quyền, SEC vẫn đơn phương giành lấy quyền quản lý từ tay các tiểu bang thông qua một loạt hành động pháp lý nhắm vào ngành tài sản số, dựa trên thuyết rằng tất cả giao dịch mua bán tiền số đều là “hợp đồng đầu tư”, và vì vậy phải chịu sự quản lý của Đạo luật Chứng khoán 1933 và Đạo luật Giao dịch 1934, chỉ bởi nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nhận được lợi ích từ nỗ lực của người chào bán tiền số.”

SEC hiện tại vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ kiện.

Vào ngày 14/11, Chủ tịch Gensler đã đề nghị trao cho SEC thêm quyền lực để điều chỉnh ngành tiền mã hóa trước khi ông Trump lên nắm quyền. Những quy định được ông Gensler đề cập gồm cho SEC thiết lập quy định trong mua bán crypto, kêu gọi các sàn crypto phải đăng ký hoạt động, khẳng định tất cả crypto là chứng khoán, chỉ trừ Bitcoin, Ethereum và stablecoin.

Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã khẳng định một trong những động thái đầu tiên sau khi nhậm chức sẽ là sa thải Gary Gensler, cũng như nới lỏng chính sách crypto. Ông Trump cũng đã liệt kê một số quan chức có lập trường ủng hộ crypto mà có thể được bổ nhiệm vào chính quyền mới, song chưa công bố ứng viên cho vị trí Chủ tịch SEC.

Ủy ban Chứng khoán Mỹ hiện vẫn còn các vụ kiện và gửi đơn cảnh cáo với cáo buộc chứng khoán đối với các công ty trong ngành tiền mã hóa gồm các sàn Coinbase, Binance, Kraken, Crypto.com; các công ty hạ tầng blockchain Ripple, Consensys; layer-1 Immutable, dự án stablecoin TUSD, dự án DeFi Mango Markets, sàn NFT OpenSea, sàn DEX Uniswap; gây áp lực cản trở ETF Solana, bắt eToro và Terraform Labs đóng phạt,…

Ở chiều ngược lại, SEC cũng nhận về một số thất bại như phải chấm dứt cuộc điều tra chứng khoán nhắm vào Ethereum và “quay xe” phê duyệt ETF Ethereum một cách chóng vánh, cũng như kết thúc cuộc điều tra vào Paxos/BUSD cùng Stacks mà không có hành động pháp lý nào thêm.

Coin68 Capital tổng hợp

Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat cùng các admin Coin68 Capital nhé!!!