“Layer 0”, “Layer 1” và “Layer 2” có gì khác nhau? Layer 0 được tạo ra để giải quyết vấn đề gì? Bài viết hôm nay sẽ giúp anh em có thêm góc nhìn chi tiết hơn để trả lời các câu hỏi nói trên.
Cấu trúc blockchain và sự phân chia các Layer
Cấu trúc đa tầng của blockhain có thể hiểu một cách đơn giản như sau:
– Layer 0: Cơ sở hạ tầng cơ bản mà trên đó có thể xây dựng nhiều blockchain Layer 1.
– Layer 1: Các blockchain cơ sở được các nhà phát triển sử dụng để xây dựng các ứng dụng, chẳng hạn như các ứng dụng phi tập trung (DApp).
– Layer 2: Các giải pháp mở rộng quy mô xử lý hoạt động bên ngoài các blockchain layer 1 để giảm tải giao dịch cho chúng.
Để hiểu sâu hơn, anh em có thể tiếp tục cùng mình tìm hiểu về cấu trúc của blockchain.
Cấu trúc của blockchain
Anh em có thể mường tượng blockchain có kết cấu như một ngôi nhà: Đầu tiên, chúng ta cần xây dựng nền móng cho ngôi nhà, sau đó bắt đầu xây các tầng lên cao, tiếp đến là hoàn thiện phần thô và cuối cùng là trang bị nội thất cho căn nhà để có thể đưa nó đi vào hoạt động tốt.
Tương tự như vậy, cấu trúc của một blockchain cũng được chia thành nhiều lớp (Layer) với chức năng khác nhau. Có sáu Layer trong kiến trúc logic blockchain:
- Layer dữ liệu (Data Layer);
- Layer mạng lưới (Network Layer);
- Layer đồng thuận (Consensus Layer);
- Layer kích hoạt (Incentive layer);
- Layer hợp đồng (Contract Layer); và
- Layer ứng dụng (DApp Layer).
Toàn bộ sáu Layer nói trên của hệ thống blockchain có cấu trúc không thể tách rời để duy trì hoạt động ổn định của blockchain. Tuỳ vào mục tiêu của dự án và định hướng phát triển, blockchain có thể gồm đủ hoặc không đủ các layer nói trên.
Các blockchain Layer 1 như Bitcoin hay Ethereum là dạng blockchain độc lập nguyên khối, tức tự bản thân nó đã tương đối hoàn chỉnh và có thể hoạt động ổn định mà không cần đến bên thứ ba nào. Điều này vừa là ưu điểm, cũng đồng thời là nhược điểm của các dự án dạng như thế này. Ưu điểm thể hiện ở việc cấu trúc blockchain sẽ được tối ưu ngay từ ban đầu phục vụ cho mục tiêu của dự án, tránh được việc phải tùy biến liên tục. Tuy vậy, nó cũng sẽ có nhược điểm khi blockchain cần tự mình thực hiện toàn bộ các công việc, gây trở ngại trong khả năng mở rộng. Bên cạnh đó, blockchain độc lập cũng sẽ bị giới hạn phần nào trong khả năng tương tác với các blockchain khác.
Layer 0, còn được gọi là “Layer truyền dữ liệu”, được tạo ra nhằm giải quyết các vấn đề nói trên của Layer 1. Các giải pháp mở rộng quy mô Layer 0 là những giải pháp không thay đổi cấu trúc của blockchain và giữ lại các quy tắc hệ sinh thái ban đầu của nó để cải thiện hiệu suất. Giải pháp Layer 0 rất linh hoạt vì nó không ảnh hưởng đến chính blockchain và cũng tương thích với các giải pháp mở rộng Layer 1 và Layer 2.
Tìm hiểu về Layer 0
Chắc hẳn khi anh em tham gia thị trường và tìm hiểu về blockchain sẽ hay được nghe đến cụm từ “Tam đề/Bộ ba bất khả thi” của blockchain, vốn gồm cókhả năng mở rộng (scalability), tính bảo mật (security) và sự phi tập trung (decentralization).
Thông thường, một blockchain sẽ cực kỳ khó để đạt đến độ giải quyết hoàn hảo cả ba vấn đề nói trên. Các dự án sẽ buộc phải hy sinh một khía cạnh nào đó để phục vụ cho mục tiêu phát triển của dự án.
Ví dụ: Ethereum có tính phi tập trung và bảo mật cực kỳ cao, nhưng đổi lại tốc độ xử lý giao dịch và chi phí giao dịch lại khá đắt, điều này chỉ được giải quyết phần nào sau các cập nhật liên quan đến Ethereum 2.0. Ngược lại, Solana, Avalanche cho chúng ta một Layer 1 có tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng, chi phí rẻ, nhưng bù lại thiếu đi tính phi tập trung tốt.
Các giao thức Layer 0 sẽ giúp khắc phục những thách thức mà các mạng Layer 1 như Ethereum đang gặp phải. Bằng cách tạo một cơ sở hạ tầng cơ sở linh hoạt hơn và cho phép các nhà phát triển khởi chạy các blockchain dành riêng cho mục đích của họ, Layer 0 hy vọng sẽ giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề như khả năng mở rộng và khả năng tương tác.
Khả năng tương tác
Tăng khả năng tương tác sẽ giúp trải nghiệm người dùng được “liền mạch” và thuận tiện hơn rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều blockchain Layer 1 khác nhau như hiện tại.
Các mạng blockchain được xây dựng trên cùng một giao thức Layer 0 có thể tương tác với nhau theo mặc định mà không cần sử dụng thêm các loại cầu nối (bridge) khác nữa. Điều này sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, giảm chi phí và tránh các rủi ro (các vụ tấn công vào các bridge).
Khả năng mở rộng
Blockchain như Ethereum, hay thậm chí là Solana, thường bị tắc nghẽn vì một giao thức Layer 1 duy nhất đang cung cấp tất cả các chức năng quan trọng, chẳng hạn như thực thi giao dịch, sự đồng thuận và tính khả dụng của dữ liệu. Điều này tạo ra một nút cổ chai khi mở rộng quy mô, trong khi đó Layer 0 có thể giảm bớt bằng cách ủy quyền các chức năng quan trọng này cho các blockchain khác nhau.
Thiết kế này đảm bảo rằng mỗi mạng blockchain được xây dựng trên cùng cơ sở hạ tầng Layer 0 có thể tối ưu hóa các tác vụ nhất định, do đó nâng cao khả năng mở rộng.
Sự linh hoạt dành cho nhà phát triển
Để khuyến khích các nhà phát triển xây dựng trên chúng, các giao thức Layer 0 thường cung cấp các bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) dễ sử dụng và giao diện liền mạch để đảm bảo các nhà phát triển có thể dễ dàng khởi chạy các blockchain dành riêng cho mục đích của họ.
Các giao thức Layer 0 cung cấp cho các nhà phát triển sự linh hoạt tuyệt vời để tùy chỉnh các blockchain của riêng họ, cho phép họ xác định các mô hình phát hành token của riêng mình và kiểm soát loại DApp mà họ muốn xây dựng trên các blockchain của họ.
Một số ví dụ về Layer-0
Các giao thức Layer 0 hoạt động có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Mỗi loại có thể khác nhau về thiết kế, tính năng và trọng tâm.
Nhìn chung, các giao thức Layer 0 đóng vai trò là blockchain chính và sao lưu dữ liệu giao dịch từ các chuỗi Layer 1 khác nhau. Mặc dù có các cụm chuỗi Layer 1 được xây dựng trên các giao thức Layer 0, nhưng cũng có các giao thức truyền chuỗi chéo cho phép các token và dữ liệu được truyền qua các blockchain khác nhau.
Anh em cùng mình phân tích một số mô hình Layer 0 ngay dưới đây:
Cosmos (ATOM)
- Xem thêm: “Thuyết” App-chain và Cosmos 2.0
Dự án được thành lập 2014 bởi Ethan Buchman và Jae Kwon. Cosmos bao gồm mạng chính blockchain theo cơ chế PoS và các blockchain tùy chỉnh được gọi là các Zone. Chuỗi chính, Cosmos Hub, dùng để chuyển tài sản và dữ liệu giữa các Zone được kết nối và cung cấp một lớp bảo mật chung.
Mỗi Zone có khả năng tùy chỉnh cao, cho phép các nhà phát triển thiết kế tiền mã hóa của riêng họ, với các cài đặt tùy chỉnh xác thực khối và nhiều tính năng khác nữa. Tất cả các ứng dụng và dịch vụ của Cosmos được lưu trữ trong các Vùng này tương tác thông qua giao thức Giao tiếp liên blockchain (IBC). Điều này cho phép tài sản và dữ liệu được trao đổi tự do trên các blockchain độc lập.
Cosmos cũng đã phát triển thành công bộ công cụ Cosmos SDK, cho phép các dự án phát triển trên Cosmos khởi chạy blockchain riêng một cách dễ dàng hơn.
Polkadot (DOT)
Người đồng sáng lập Ethereum, Gavin Wood, đã thiết kế Polkadot để cho phép các nhà phát triển xây dựng blockchain của riêng họ.
Cấu trúc của Polkadot bao gồm Relay Chain (hoạt động như một cầu nối giữa các parachain) và Parachain (các blockchain độc lập được xây dựng trên chuỗi chính Polkadot).
Polkadot sử dụng cơ chế xác thực Proof-of-Stake (PoS) để đảm bảo an ninh mạng và sự đồng thuận. Các dự án muốn xây dựng trên Polkadot tham gia đấu giá để đặt giá thầu cho các vị trí.
Avalanche (AVAX)
- Xem thêm: Nhìn lại Avalanche của năm 2022: Subnet không hiệu quả, Avalanche khó giữ chân người dùng
Ra mắt vào năm 2020 bởi Ava Labs với trọng tâm là các giao thức DeFi, Avalanche sử dụng cơ sở hạ tầng tri-blockchain bao gồm ba chuỗi cốt lõi: Chuỗi hợp đồng (chuỗi C), Chuỗi sàn giao dịch (chuỗi X) và Chuỗi nền tảng (Chuỗi P).
Ba chuỗi này được định cấu hình cụ thể để xử lý các chức năng chính trong hệ sinh thái, nhằm tăng cường bảo mật đồng thời hướng tới độ trễ thấp và thông lượng cao. X-Chain được sử dụng để tạo và giao dịch tài sản, C-Chain để tạo hợp đồng thông minh và P-Chain để điều phối các trình xác thực và mạng con. Cấu trúc linh hoạt của Avalanche cũng giúp các giao dịch hoán đổi chuỗi chéo nhanh và rẻ có thể thực hiện được.
Trong năm 2021, Avalanche đã ra mắt Subnet, chính thức chuyển mình trở thành một Layer 0 đúng nghĩa. Subnet là một mạng con tồn tại trong Primary Network của Avalanche, gồm các validator hoạt động theo cơ chế đồng thuận chung để xác thực cho một tập hợp blockchain.
Tạm kết
Dưới góc nhìn cá nhân của mình, Layer 0 trong tương lai sẽ còn nhiều tiềm năng và dần trở thành một xu thế rõ rệt hơn. Hiện tại, có thể nhu cầu của thị trường chưa cần đến quá nhiều các giải pháp Layer 0, nhưng nếu như crypto và blockchain được tiếp nhận rộng rãi hơn thì chắc chắn nhu cầu sử dụng một Layer 0 để phát triển blockchain riêng của các dự án sẽ ngày một tăng lên. Anh em có thể tiếp tục research chuyên sâu hơn vào các dự án lớn trong ngách này để tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn.
Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo!