Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua dự luật crypto MiCA

MiCA, bộ khung pháp lý hoàn thiện đầu tiên về các quy định quản lý crypto, đã được Nghị viện EU bỏ phiếu thông qua.

Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua dự luật crypto MiCA

Như Coin68 đưa tin,  “Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa” (MiCA) là dự luật của Liên minh Châu Âu nhằm quản lý toàn diện lĩnh vực tiền mã hóa, trong đó có các cơ chế cấp phép cho công ty crypto, giám sát mảng stablecoin, giới hạn về số tiền có thể giao dịch,…

Vào tối ngày 20/02/2023 theo giờ Việt Nam, MiCA đã được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 517-38 phiếu thuận của Nghị viện EU.

 

Nghị viện cũng thông qua một bộ quy tắc riêng về việc Chuyển tiền với tỷ lệ 529-29 phiếu thuận. Quy định này yêu cầu các nhà hoạt động crypto phải xác minh danh tính khách hàng để ngăn chặn vấn nạn rửa tiền.

Với việc MiCA được thông qua, khối EU chính là khu vực đầu tiên trên thế giới ban hành một bộ khung pháp lý đầy đủ để quản lý lĩnh vực tiền mã hóa.

Ủy viên Nghị viện EU Mairead McGuinness khẳng định:

 

“Lần đầu tiên trên thế giới có một cuộc bỏ phiếu bầu về bộ quy định hoàn thiện dành cho mảng crypto.

Dự luật sẽ có hiệu lực vào năm sau. Chúng tôi đang nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm sự ổn định tài chính cũng như tính toàn vẹn của thị trường.”

Một vài quy định đáng chú ý trong MiCA gồm:

 

2/ MiCA cung cấp các biện pháp bảo vệ chống lại các trường hợp sụp đổ tiền mã hóa hay stablecoin như LUNA – UST.

3/ Các đồng stablecoin lớn được sử dụng rộng rãi như một phương tiện thanh toán có hơn 200 triệu euro giao dịch mỗi ngày, sẽ phải tuân theo các quy tắc hoạt động nghiêm ngặt.

4/ Stablecoin sẽ phải được bảo chứng đủ tốt để vượt qua tất cả các khiếu nại cũng như cung cấp quyền mua lại của chủ sở hữu. Các khoản dự trữ sẽ phải được tách biệt và cách ly về mặt pháp lý, hoạt động vì lợi ích của chủ sở hữu, và sẽ được bảo vệ hoàn toàn trong trường hợp mất khả năng thanh toán.

5/ EU sẽ cử một cảnh sát chuyên giám sát tiền mã hóa. ESMA sẽ có quyền can thiệp để cấm hoặc hạn chế việc cung cấp, phân phối hoặc bán các dịch vụ crypto bằng CASP trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự an toàn của nhà đầu tư, tính toàn vẹn của thị trường hoặc sự ổn định tài chính.

6/ ESMA cũng sẽ thiết lập một danh sách CASP của quốc gia thứ ba không được phép và cùng với các cơ quan có thẩm quyền của từng quốc gia có quyền hạn sâu rộng đối với từng thực thể, bao gồm cả khả năng đóng cửa trang web của họ.

7/ MiCA sẽ đi kèm với các biện pháp chống rửa tiền mạnh mẽ. CASP sẽ phải được thành lập với sự quản lý thực chất ở EU với một giám đốc thường trú và văn phòng tại quốc gia ủy quyền. Việc ủy quyền sẽ bị từ chối nếu các tiêu chí AML không được đáp ứng.

8/ MiCA tạo ra một khuôn khổ bảo vệ nhà đầu tư mạnh mẽ. Đối với các coin/token không có tổ chức phát hành, chẳng hạn như Bitcoin, các nền tảng giao dịch sẽ có trách nhiệm cung cấp whitepaper và chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ thông tin sai lệch nào.

9/ MiCA cũng đưa ra lời cảnh báo cho người tiêu dùng về rủi ro thua lỗ đi kèm cũng như các quy tắc về truyền thông marketing công bằng.

10/ Đối với các hành vi lạm dụng thị trường, cũng sẽ có các quy tắc rõ ràng về việc tiết lộ thông tin nội bộ, cấm giao dịch nội gián và thao túng thị trường.

11/ ESMA sẽ xây dựng các chỉ số bền vững để phân loại các cơ chế đồng thuận theo tác động bất lợi đến khí hậu và môi trường.

Kể từ khi được đề xuất lần đầu tiên hồi 2020, MiCA đã nhận được nhiều lời khen ngợi và ủng hộ từ cộng đồng tiền mã hóa. Vì đây là lần đầu tiên có một bộ khung pháp lý rõ ràng và hoàn thiện để bao quát thị trường tiền mã hóa đến vậy.

Tuy nhiên, CEO Binance CZ từng nhận xét MiCA là một khung pháp lý tuyệt vời để quản lý crypto, nhưng có một số điểm là quá nghiêm ngặt.

Các điều khoản chính của MiCA sẽ được áp dụng 6 tháng sau khi được công bố trên tạp chí chính thức của EU. Do đó có thể dự kiến là vào khoảng tháng 6/2024.